Tiềm năng thế mạnh Tân Châu
Tân Châu là một thị xã trẻ, có đường biên giáp với Campuchia; là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng; có tiềm năng về du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử như: dệt gấm, dệt chiếu, Cồn bãi, sông nước, tâm linh….
* Tiềm năng, lợi thế
Tân Châu có 10 di tích lịch sử văn hóa, trong đó đã có 02 di tích được xếp hạng. Trong các di tích được xếp hạng có nhiều di tích nổi tiếng, lưu giữ những trang sử hào hùng của dân tộc quê hương như: Chùa Giồng Thành được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh … Ngoài ra, hầu hết các xã, phường ở Tân Châu đều có đình, chùa – nơi sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của cộng đồng, có 10 ngôi nhà cổ còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc, giá trị lịch sử.
Ngoài ra Tân Châu có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú để kết hợp với phát triển du lịch như: Hoạt động đờn ca tài tử, các lễ cúng đình, chùa miếu hội, cúng thần nông…. Trong các lễ hội ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa được thể hiện qua nhân vật tưởng niệm, lễ nghi, phong tục, ẩm thực, cùng nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc trưng rất thích hợp để gắn với việc phát triển du lịch, bên cạnh Tân châu có làng nghề truyền thống như lụa Tân châu, dệt thổ cẩm, khăn choàng đầu của phụ nữ Chăm. Những thắng cảnh, di sản và di tích nói trên là một lợi thế để phát triển du lịch của thị xã Tân Châu, hình thành các tour du lịch trong địa bàn thị xã, và liên kết du lịch trong tỉnh và liên tỉnh.
Tân Châu còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Vĩnh Hòa, vùng cây cảnh như Vườn mai Vàng xã Phú Vĩnh…Đây là những mô hình để quảng bá khi gắn với các tour du lịch.
Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc cơ bản thuận lợi, là tiềm năng để kết nối trong vùng nhằm hình thành các tour du lịch thắng cảnh, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh….
Từ năm 2017 đến nay, tổng số lượt khách tham quan và lưu trú trên địa bàn thị xã là 14337 lượt khách. Trong đó 9.172 lượt khách quốc tế (quá cảnh) thông qua các công ty du lịch lữ hành trên sông Mê Kong và 5.165 lượt khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn (khách quốc tế là 426 lượt khách; khách nội địa là 4.739 lượt khách).
* Làng nghề lụa Tân Châu
Thị xã Tân Châu là điểm đầu nguồn của Sông Tiền, có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia. Tân Châu được biết đến với sản phẩm là lụa, nổi tiếng bóng láng được nhuộm màu đen bằng trái mặc nưa, Tân Châu còn có tên gọi là Xứ lụa nổi tiếng một thời với mặt hàng Lãnh Mỹ A.
Phường Long Châu hiện nay là cái nôi của xe tơ, dệt lụa của Tân Châu ngày xưa. Thời gian trôi qua, nghề lụa truyền thống dần mai một do sự cạnh tranh của thị trường. Đến nay ở phường Long Châu chỉ còn lại 4 cơ sở dệt lụa, trong đó cơ sở Tám Lăng, Dệt lụa gấm Hồng Ngọc…là 02 cơ sở dệt duy trì nghề dệt truyền thống, còn lại 9 cơ sở se tơ và mang tơ bán ra các thị trường Campuchia và Lào. Lụa Tân Châu nổi tiếng là do dệt bằng tơ tằm, nhuộm màu từ thiên nhiên như: Trái Mặc nưa cho màu đen của Lãnh Mỹ A….các nhà thiết kế thời trang cho rằng lụa Tân Châu là sản phẩm thuần Việt, đậm đà tính dân tộc và cũng là niềm tự hào của người Việt Nam.
Nhiều năm qua Chính quyền địa phương rất quyết tâm trong việc tìm hướng khôi phục làng nghề Lụa Tân Châu, nhưng gặp nhiều khó khăn như sản phẩm cạnh tranh thị trường, vì sản phẩm lụa khi dệt xong thành phẩm có giá thành khá cao trong khi thị trường sản phẩm vải rất đa dạng và có mức giá khá rẽ; Một trong những yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất ra sản phẩm là vấn đề về tơ tằm làm chất liệu dệt, hiện nay các cơ sở dệt chủ yếu thu mua tơ tằm từ miền ngoài về để dệt; Sản phẩm từ lụa tơ tằm chỉ dừng lại ở mặc hàng lãnh Mỹ A và một vài màu sắc nên sản phẩm không phong phú về chủng loại và màu sắc, vì vậy chưa thu hút khách hàng, sản phẩm làm ra bán nhỏ lẽ và chủ yếu bán cho khách du lịch, từ những khó khăn trên nhiều cơ sở đã chuyển sang dệt gấm bằng sợi nilong để duy trì hoạt động của cơ sở, cho đến nay chỉ còn 02 cơ sở còn duy trì hoạt động dệt tơ tằm.
Với những khó khăn trên Tân Châu rất mong được sự hỗ trợ để khôi phục làng nghề truyền thông Lụa Tân Châu
* Làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Chăm
Xã Châu Phong, thị xã Tân Châu giáp với Thành phố Châu Đốc chỉ cách nhau con Sông Hậu, có 1.111 hộ đồng bào Chăm với 4.690 nhân khẩu, Trước đây, các hộ gia đình dân tộc Chăm có gần 50% hộ dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Đến với làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang xã Châu Phong ắc hẳn khách du lịch sẽ thích và muốn sở hữu được sản phẩm do chính tay những người phụ nữ Chăm dệt, chẳng những mang nét đẹp truyền thống của thổ cẩm mà còn mang nét đặc sắc của văn hóa Chăm với các đường nét lạ độc đáo tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm đa dạng như: Sà rông, khăn choàng,…và các mặt hàng có tính chất đặc trưng của người Chăm Nam bộ. Thổ cẩm của người Chăm Châu Phong là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, hấp dẫn người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.
Tuy nhiên, ngày nay dệt thổ cẩm dân tộc Chăm trên địa bàn thị xã đã dần mai một, tuy có sự đầu tư đáng kể về nguồn vốn nhưng do quy hoạch và đầu tư chưa đúng cách nên dệt thổ cẩm của người Chăm không còn hiệu quả, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ với lượng hàng lớn mà chủ yếu để bán trong cộng đồng người Chăm. Đến nay chỉ còn 12 hộ dệt thổ cẩm tại gia đình nằm rải rác ở 3 ấp.
Để thị xã tân Châu được biết đến nhiều hơn, được ưu ái hơn về sản phẩm du lịch, chính quyền địa phương thị xã Tân Châu rất mong có sự hỗ trợ từ Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch về nghiệp vụ, về kêu gọi hỗ trợ đầu tư đúng cách, quy hoạch cụ thể để làng nghề truyền thống thị xã Tân Châu được khôi phục và phát triển hơn.
Bên cạnh đó, ẩm thực của đồng bào dân tộc Chăm cũng có hương vị và nét đặc thù sẽ góp phần thu hút du khách gắn với làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm xã Châu Phong.
Nguồn: http://xuctiendautu2018.angiang.gov.vn/